Nghề sửa khóa- Nghề khó, "kén người ngay"

Chỉ với thanh thép nhỏ, dài chừng 10 cm, sau hai phút “thăm dò”, “chọc, chọc” ổ khóa cánh cửa đã bật mở, trước sự thán phục của chủ nhà. Đó là một phần công việc hằng ngày của những người thợ sửa khóa chuyên nghiệp.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, thợ sửa khóa trên Đại lộ Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, (An Dương), cho biết: “Trường hợp “phá khóa” bằng dây thép thường áp dụng cho các loại khóa đơn giản, còn đối với các loại khóa khác phức tạp, hiện đại đòi hỏi người thợ phải kỳ công hơn nữa. Trong quá trình đưa “vam mở khóa” hay dây thép vào thăm dò, thợ sửa khóa phải nhẹ nhàng, tinh tế để cảm nhận được rãnh khóa đó thuộc loại gì, ra sao, đầu dây thép đi đến chi tiết nào của chiếc khóa. Công đoạn này rất quan trọng nên cần hết sức tỷ mỉ, thận trọng và đặc biệt chính xác. Sau khi đã xác định đúng loại rãnh khóa thì công việc còn lại là làm một chiếc chìa đúng theo rãnh khóa “. Quy trình “phá khóa” trên lý thuyết chỉ có bấy nhiêu, nhưng những người thợ như anh Hoàng phải mất từ 2 đến 3 năm học nghề mới cơ bản thạo việc. Quả thật, chỉ riêng công đoạn “tinh tế cảm nhận từng đường rãnh khóa qua dây thép” cũng thật khó cắt nghĩa và cho thấy công việc sửa khóa khá “kén người”. Anh Huy chia sẻ: “Kiên nhẫn, sáng dạ, chịu khó quan sát, mày mò là bí quyết thành công của những người thợ khóa giỏi”.

Thợ sửa khóa trên đường Lạch Tray
Thợ sửa khóa trên đường Lạch Tray

Không chỉ có vậy, muốn trở thành thợ sửa khóa đôi khi còn cần yếu tố “di truyền”. Hiếm có nơi nào ở thành phố Hải Phòng lại tập hợp đông những người thợ khóa như ở đường Lạch Tray. Chỉ tính riêng khu vực này có đến hơn chục hàng sửa khóa trên vỉa hè. Điều thú vị là hầu như các hàng này đều có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Theo chị Nguyễn Thị Huyền, vợ của một người thợ sửa khóa, ở gần Trường đại học Hàng hải Việt Nam, tất cả chủ hàng sửa khóa trên trục đường Lạch Tray đều là người họ hàng, bên nhà chồng chị. Dòng họ có gốc gác ở Thái Bình và hành nghề sửa khóa hàng chục năm. Đây là nghề truyền thống của họ, không dạy cho người ngoài, chỉ truyền lại cho con cháu. Con trai chị Huyền, vừa tốt nghiệp cấp 3, cũng đang học nghề từ bố. Chị Huyền cho biết: “Hiện tại, nhà tôi, ba người đều gắn bó với hàng khóa “chồng sửa khóa, vợ phụ chồng, con học nghề cha”. Gọi là hàng sửa khóa cho oách, chứ tất cả đồ nghề chỉ gói gọn trong một chiếc hòm gỗ để vừa trên yên chiếc xe máy, và chỗ ngồi trên vỉa hè. May mắn là ngày nào chúng tôi cũng đông khách, chủ yếu là đánh chìa mới, sửa khóa, phá khóa thì ít, nhưng công cao hơn. Mỗi chiếc chìa đánh ra, nếu loại nhỏ tính giá 5 nghìn đồng, loại lớn từ 10 – 20 nghìn đồng, còn sửa khóa, phá khóa thì ít nhất cũng từ 50 nghìn trở lên. Trung bình mỗi ngày, nhà tôi thu nhập khoảng 200 nghìn đồng”.

Theo anh Hoàng, chị Huyền lý do chính khiến nghề thợ khóa “kén người”, bởi tính chất mà người đời hay gắn cho nó là “tà, chính bất phân”.  Chuyện gì sẽ xảy ra, khi chỉ với thanh thép nhỏ, “người trong nghề” có thể “giải quyết nhanh gọn mọi ổ khóa” . Nếu người thợ khóa không có bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ vật chất thì rất dễ sa ngã vào con đường tội lỗi. Anh Hoàng tâm sự: “Mỗi lần được thuê mở khóa két sắt, khi cánh cửa bật mở, tôi nhanh chóng ngoảnh mặt đi, mặc bên trong là gì, lập tức gọi chủ nhà đến chứng kiến, bản thân di chuyển ra chỗ khác”. Còn chị Huyền thường xuyên được nhắc chú ý đến thái độ và ánh mắt của từng khách hàng, để phân biệt người ngay, kẻ gian, quyết không tiếp tay cho những đối tượng có hành động bất chính. Chị Huyền cho biết: “Ngay cả người trong họ, nếu có tính gian, suốt đời không được truyền nghề. Đó là nguyên tắc đạo đức hành nghề bao đời nay, mà ông cha để lại”.

ANH DŨNG 

Leave a Reply