Nghề nhỏ nơi phố chợ
Trong cái nắng hanh hao của tiết trời những ngày chuyển mùa, Hà Nội vẫn ồn ã, người chạm người mà chẳng ai buồn nói với nhau một câu. Ai cũng có một công việc, một nỗi bận tâm, chẳng thế mà người ta cứ tự nhủ, tự an ủi với nhau rằng “Ừ…nhịp sống đô thị nó phải thế” nghe mà thấy lòng chộn rộn hắt hiu.
Trên con hẻm nhỏ vắt ngang tới khu chợ Kim Liên, một ông lão tuổi ngoại lục tuần ngồi đọc báo cạnh hộp đồ nhỏ treo lủng lẳng vài ba xâu chìa cũ. Bên mép hộp chỉ ghi vỏn vẹn đôi chữ “sửa khóa”. Ông lão làm nghề chữa khóa ấy tên đầy đủ là Vũ Văn Quốc.
Trong câu chuyện của mình, ông Quốc kể: ông quê gốc ở làng Tương Chúc (thuộc Thanh Trì, Hà Nội) nơi có nghề sửa khóa nức tiếng từ thời Pháp thuộc. Suốt bao năm trong quân ngũ rồi bươn bả làm đủ thứ nghề để mưu sinh ông Quốc tưởng chừng như đã “quên” đi cái nghề chân quê này. Thế nhưng, khi tuổi chạm bóng chiều tà ông lại lần hồi lại cái hộp sửa khóa đã hoen gỉ, làm lại cái nghề mà theo cách ông nói hóm hỉnh là “cho đỡ lãng phí tuổi già…!”
Ông Quốc khẳng định chắc nịch với tôi rằng cái nghề sửa khóa mà ông đang làm có nhiều khác biệt so với hàng trăm nghề. Điểm lạ, khác biệt đó là chẳng có trường lớp nào đào tạo chính quy để cho ra một anh thợ khóa cả. Chỉ cần có chút ít năng khiếu, sự tò mò, tỷ mẩn khám phá là có thể thành thợ. “Ham thích tí toáy các ổ khóa từ nhỏ, những khi rảnh rỗi thì tự mày mò rồi thành thợ chữa khi nào chẳng hay”.
Cách đây ngót chục năm người Hà Thành chẳng ai lạ gì hình ảnh những thợ khóa với hộp đồ nhỏ treo lủng lẳng sau xe đạp cũ chạy khắp hang cùng ngõ hẻm để cất tiếng rao “Khóa đê….ai sửa khóa không…!” Thợ khóa là vậy, ngược xuôi vất vả quanh năm bán mặt cho phố cặm cụi, cần mẫn cảm để mài, giũa phôi sắt thành những chiếc chìa chuẩn xác.
Có một thực tế đó là những người hành nghề sửa khóa chân chính có thu nhập khá bấp bênh. Ông Vũ Văn Quốc ngậm ngùi “Làng khóa Tương Chúc quê tôi giờ có khoảng 600 hộ dân, tính ra chắc chỉ còn sót lại chưa đến 50 người làm nghề. Hầu hết đều dật dẹo nơi ngách phố như tôi, cũng phải thôi, không đủ sống nên người ta bỏ nghề hết rồi…”
Người thợ già với lấy chiếc búa nhỏ khẽ gõ lên ổ khóa cũ rồi giật nhẹ chiếc lò xo làm ổ khóa bật mở, ông nói tiếp: “Cái anh sửa khóa phải có đức tính chịu khó, kiên nhẫn bởi đôi khi chỉ riêng việc chặt sắt, rập, rũa làm chìa cho vào khuôn làm cho ra được một cái chìa có khi phải tốn thời gian hàng tiếng đồng hồ. Quan trọng là người thợ có cái đầu óc linh hoạt, đôi bàn tay phải cứng khỏe, mẫn cảm để mài, giũa phôi sắt thành những chiếc chìa chuẩn xác”.
Nghề nặng gánh lương tâm
Đó là câu mà những người thợ khóa ông Quốc thường nhắc lại trong lúc trò chuyện với tôi. Sở dĩ nói như vậy bởi đây là công việc đòi hỏi tính trung thực rất cao. Với biệt tài “mở khóa” thì ranh giới giữa “chính, tà” chỉ mong manh trong gang tấc. “Làm cái anh thợ sửa khóa nếu bản thân không vững lòng, vững tâm thì sẽ rất dễ lợi dụng nó để làm điều xấu…” ông Quốc băn khoăn.
Thực vậy, ở đâu đó vẫn có những trường hợp thợ chữa khóa lợi dụng cái nghề tài hoa của mình để trục lợi, làm những việc sai trái. Tuy nhiên, không nên có sự đánh đồng “cá mè một lứa” tất cả những thợ khóa như vậy. Là một nghề mưu sinh nơi phố chợ nhưng hầu hết những người chữa khóa mà tôi tiếp xúc vẫn giữ cho bản thân được đức tính trung thực, chân chất vốn có của kẻ chân quê đất ruộng.
Một thợ khóa khác tên Thiêm, hành nghề ở khu vực Ngã Tư Sở cho tôi biết có nhiều người đem phôi chìa thậm chí gọi anh đến tận nhà để mở ổ giùm. Những khi hoàn thành xong công việc, để tránh những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh, chẳng cần chủ nhà “đánh tiếng” Thiêm đều tự động hủy đi những phôi chìa. Thậm chí Thiêm còn khuyên gia chủ nên chuyển sang sử dụng ổ khóa khác để đảm bảo an toàn.
Nghề sửa khóa hiện nay so với nhiều năm về trước cũng có thuận lợi hơn. Đơn cử như việc xuất hiện, phổ biến nhiều loại máy phục vụ việc tạo phôi chìa như: máy mài, máy dập…Với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ này việc photocopy chìa khóa đơn giản và nhanh hơn rất nhiều. Không chỉ có vậy, sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông cũng giúp nghề này được “quảng bá” rộng rãi hơn. Trên các trang rao vặt, trang quảng cáo của báo hiện nhan nhản những quảng cáo liên quan đến nghề sửa khóa. Những điều trên giúp những người có nhu cầu sửa khóa dễ dàng “bắt mối” tìm được người sửa khóa mà không phải tốn nhiều công sức. Thợ khóa vì thế cũng không phải cực nhọc đi rao khắp ngõ ngách phố thị.
“Cánh anh em làm thợ như chúng tôi hầu hết các loại khóa đều xử lý được. Bởi các loại ổ khóa thông thường đều có nguyên lý hoạt động tương tự nhau, ngoại trừ những loại ổ khóa khó “ăn” là các loại khóa két sắt hay khóa điện tử hiện đại, tinh vi cần kinh nghiệm tinh tế cao hơn…” Ông Quốc bật mí.
Xã hội đang ngày càng phát triển, có những thứ sinh ra rồi sẽ phải mất đi đó là quy luật. Nghề sửa khoá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Dù nghề chữa khóa có tiếp tục tồn tại hay không thì trong tâm tưởng người yêu Hà Nội, phố xá ngày xưa cũ, bóng dáng thợ khóa lặng lẽ nép mình bên những con ngõ nhỏ rêu phong vẫn được người ta nhắc đến.
Thợ khóa vẫn vậy trong những câu chuyện đời, chuyện nghề họ kể vẫn nằng nặng hoài niệm. Riêng anh thợ khóa Thiêm thì bộc bạch: “So với ngày xưa, hầu như bây giờ, nhà ai cũng có vài cái ổ khóa, chìa khóa. Giá mỗi cái khóa sau khi sửa chỉ từ 4.000 đồng đến vài chục ngàn đồng. Để sống được trong thời buổi này, vừa sửa khóa phải vừa kiêm thêm công việc phụ khác nữa. Chẳng hạn, giờ anh thợ chữa khóa cũng phải biết chút ít về sửa xe đạp, ép dẻo platic. Làm thợ khóa như chúng tôi vẫn thế, vẫn cặm cụi kiếm từng đồng âu nó cũng là cái nghiệp vận vào thân rồi”.