suakhoa.vn xin giới thiệu với các bạn thợ khóa đồng nghiệp một quán café để thư giãn cuối tuần. Đặc biệt những bạn thích không gian yên tĩnh và dòng nhạc xưa.
Từng là nơi tụ tập của giới học sinh, sinh viên trước năm 1975 trải dài cho đến thế hệ sinh viên ngày nay, “Chiêu” là một trong số hiếm hoi những quán cafe tồn tại gần nửa thế kỷ, qua nhiều biến động của thời cuộc.
THỜI VÀNG SON CỦA CÀ PHÊ SÀI GÒN
Cùng với cafe Văn Hoa (khu Đakao, quận 1), cafe Đa La (đường Nguyễn Tri Phương), cafe Hầm Gió (đường Võ Tánh trước 1975, nay là đường Nguyễn Trãi), “Chiêu” là một trong bốn quán nổi tiếng nhất trong giới sinh viên, công chức Sài Gòn trước năm 1975. Nằm yên tĩnh cuối một con hẻm nhỏ hình chữ T trên đường Cao Thắng, gần rạp Đại Đồng, góc quán nhỏ cũ kỹ nằm lặng lẽ giữa vô vàn những quán cafe hiện đại nhen nhóm ngoài kia.
Chính thức mở cửa từ năm 1969, đến nay, “Chiêu” đã tồn tại được 46 năm, chứng kiến cuộc chuyển giao của hai thể chế chính trị, sự đổi thay của hàng ngàn con người đã từng bước qua “Chiêu”, duy chỉ có một thứ không đổi đó là không gian bên trong “Chiêu” và phong cách cafe bao năm qua.
Nằm lẫn trong hàng trăm quán xá đô thành Sài Gòn, “Chiêu” là nơi dung dưỡng ký ức đẹp thời đi học của những thế hệ học sinh, sinh viên mà những người sau này đã ra trường, lưu lạc, đi xa hay thành danh luôn nhớ về.
Bà Nguyễn Tuyết Mai, 77 tuổi, vị chủ đầu tiên, người phụ nữ một tay lèo lái “Chiêu” qua bao biến cố thời cuộc vẫn còn minh mẫn nhớ về những ngày đầu mở quán: “Nơi tôi đang ngồi vốn là căn villa có từ năm 1947 cha mẹ để lại, bên dưới là quán, trên là nơi tôi ở chừng đó năm. Ngày ấy, những quán kiểu dành cho sinh viên ít lắm. Trong đó có “Chiêu” là thường hay tiếp đón các cô cậu học trò, cái thời mà tuổi mới lớn đã bắt đầu tiếp xúc và ngâm nga tình khúc của Lê Uyên Phương, Vũ Thành An và các bài nhạc vàng”.
Dù tóc đã bạc trắng nhưng nhắc về những vị khách khi xưa, trong đôi mắt người phụ nữ lớn tuổi sáng lên như đang chứng kiến lại hình ảnh những con người trẻ tuổi, ngồi chộn rộn trên băng ghế nệm sát tường gật gù theo tiếng nhạc Trịnh Công Sơn. “Mấy cô cậu hồi đó đa số là học Trường Kiến trúc, Trường Y, cả dân y và quân y, tôi nhớ có vài người trước năm 1975 đã ra làm trong Bệnh viện Bình Dân nhưng vẫn hay lui tới. Nhóm khách khác còn lại là học Trường Quốc gia Hành chánh (nay là Học viện Hành chính quốc gia trên đường 3-2)”.
Logo hình bông hoa bách hợp bao quanh bởi chữ “C” đã theo quán suốt quãng thời gian tồn tại. Đến nay, nếu có dịp đến “Chiêu”, người ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh của logo này gắn trên biển hiệu treo trịnh trọng trên cửa quán.
Kể từ khi tồn tại đến nay, rất ít người biết đến ý nghĩa thực sự của tên quán mà chỉ có bà chủ mới giải thích chính xác nhất. Theo bà Mai, những năm đầu lập quán, bà đặt tên quán là “Chiều” đơn giản chỉ vì quán bán buổi chiều từ 16-23h đêm là đóng cửa. Người này truyền tai người kia, và vốn tính lãng mạn, thích bay bổng của học trò lúc bấy giờ, cái tên Chiều được lược mất dấu, “thi vị hóa” bằng cái tên “Chiêu”, đọc trại ra thành “Chờ-iêu”. “Huyền thoại” cái tên tự đặt ấy truyền tai mãi đến tận ngày nay, làm những thế hệ sau này cứ ngỡ đó là thật. Bà cười, sau này ngẫm lại, Chiêu cũng có nghĩa là chiêu gọi, mời gọi, thấy hay nên giữ luôn.
Thứ được coi là đặc trưng của “Chiêu”, níu giữ nhiều thế hệ khách tìm đến quán là phong vị nhạc xưa bật suốt từ những năm hưng thịnh nhất đến khi chỉ còn là một thứ hoài niệm. Ở đấy, những bài tình một thuở được Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Ngọc Lan, Khánh Ly, Duy Quang, Elvis Phương… ca mải miết qua chiếc loa cũ rè rè. Người ta cố tình chỉ bật chừng ấy bài hát trong một xấp đĩa cố định, và chỉ qua chiếc loa phát ra thứ âm thanh đục ngầu, thuần chất ấy. Ngồi ở “Chiêu”, thi thoảng sẽ bắt gặp hình ảnh những vị khách trung niên chẳng nhìn nhau, họ cùng nhìn ra khung cửa có dây đèn màu chớp tắt giống như kiểu trang trí ngày xưa, trong một không gian gần như chỉ có tiếng nhạc.
TRỞ MÌNH SAU BIẾN CỐ
Sống đời độc thân, bà Mai cùng người em trai ruột của mình và người em dâu duy trì quán nhưng cũng không ngờ là đã có thể níu giữ nơi ấy được hơn bốn thập kỷ qua. Coi giữ quán được một thời gian, vì bận làm thêm công việc bên ngoài nên bà Mai giao phần lớn việc trông coi và sắp xếp quán cho vợ chồng người em.
Bà Tuyết Mai vẫn còn nhớ những thay đổì xảy ra sau năm 1975. Thời điểm chuyển giao chính quyền, quán bị buộc phải đóng cửa. “Mất gần hai năm đứt gánh giữa chừng. Lúc đó kiếm miếng ăn còn khó nói gì việc bỏ tiền ra thưởng thức cái thú vui cafe, mình mà không đóng cửa thì cũng không còn nhiều người có thời gian la cà cafe nữa”, bà Mai chùng giọng.
Thời gian “Chiêu” đóng cửa là lúc bà Mai chứng kiến sự ra đi hoặc đổi thay của hàng loạt những khách quen ngày xưa. Bà cho biết, nếu như trước năm 1975, bán cafe thu nhập rất khá, chỉ bán 7 tiếng một ngày, đến tầm 7, 8 giờ tối là kín chỗ, đến sau 11 giờ đêm. Sau này thì việc buôn bán vẫn giữ mức bình bình khi tầm 9 giờ tối là đã hết khách.
Hai năm nghỉ bán, bà Mai dựng hàng nhỏ trước ngõ bán bánh ướt, định sẽ không còn mở “Chiêu” lại nữa. Khi tình hình có vẻ lắng dịu, khách cũ, người quen lần lượt trở lại tìm quán, người ta tha thiết về “Chiêu” đến nỗi, cứ ghé hoài tìm hoài, năn nỉ bà Mai mở cửa lại, chẳng phải bởi họ thèm uống cafe mà là họ nhớ, họ thèm không khí ngày xưa, thèm kiếm cái cớ để tụ họp bạn bè trở lại. Rồi bà Mai cũng xuôi. Dù thời hưng thịnh nhất của cafe Sài Gòn nói chung hay “Chiêu” nói riêng đã chỉ còn là quá khứ, nhưng tấm chân tình của người Sài Gòn đã góp nhặt từng khúc tình nhỏ để giữ “Chiêu” đến ngày hôm nay.
“Do không mất tiền thuê mặt bằng nên việc duy trì quán có phần êm xuôi. Tôi thì ở trên tầng hai, đi lên đi xuống coi sóc. Tuổi già mà, đi quanh đi quẩn cũng không làm gì, thôi thì mình cứ mở quán đó, cho khuây khỏa tuổi già, cho ai nhớ quán thì còn biết là quán vẫn mở cửa để mà tìm”, bà Mai tâm sự.
Trở về Việt Nam năm 2013 sau gần 40 năm ở xứ người, lần đầu tiên sau chừng ấy năm, người đàn ông 60 tuổi Hoàng Cương (Việt kiều Canada) bồi hồi: “Tôi đọc tin thấy cafe Givral ở góc đường Catinat (nay là Đồng Khởi) bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại. Cứ tưởng quán nhỏ bé như “Chiêu” phải mất sớm hơn, ai ngờ bạn bè tôi nói rằng nó vẫn còn đấy. Ngày xưa còn đi học đâu có nhiều tiền để ngồi ở nơi xa xỉ như Givral, “Chiêu” mới là nơi giới trẻ tụi tôi hẹn hò, nghe nhạc”. Chỉ vào chiếc bảng gỗ treo ở đầu con hẻm 124 Cao Thắng, ông reo lên: “Chữ “Chiêu” tết bằng dây thừng này là từ xưa tới giờ nè, tôi còn nhớ”.
VANG DANH ĐẾN NAY
Khoảng 10 năm trở lại đây, do nhu cầu của khách đông nên “Chiêu” đã “cơi nới” thêm lầu một để phục vụ. Tuy nhiên, những người đã từng quen “Chiêu” của ngày xưa vẫn yêu một không gian cafe không máy lạnh, bàn ghế tường trần ốp gỗ lát ngả màu thời gian và nhất là ngồi dựa lưng vào hàng ghế bọc nệm sát tường, nơi có thể quan sát được hết khách ra vào. Chú Nguyễn Hùng, một giáo viên người Sài Gòn vẫn hay ngồi ở đây sau giờ làm, nói: “Đó mới là linh hồn của “Chiêu””.
Anh Trường Giang, người sáng lập trang web Honngocviendong.vn nhớ lại: “Thời sinh viên cách đây 10 năm, tôi biết đến “Chiêu” trong lần tình cờ tìm kiếm các quán nhạc xưa. Loại gỗ ép vô tường là chỉ có những nhà trước năm 1975 mới làm, chứ giờ người ta toàn làm gạch men”. “Những ngày mưa nhìn ra cửa sổ trên tầng hai vô cùng lãng mạn”, anh cười.
Tự nhận mình thuộc thế hệ thứ ba của quán, tức lứa “sinh viên năm 2000” và chỉ kịp trưởng thành khi “Chiêu” đã bước qua tuổi 40, bạn Thanh Viên nói: “Mình ngồi đây từ lúc mới lên Sài Gòn học. Để ý kỹ sẽ thấy, hiếm có quán cafe nào dùng kiểu ấm trà, ly sứ có hoa văn thịnh hành từ cái thời cách đây bốn, năm chục năm. Ở thành phố này giờ tìm một quán cafe nhạc xưa, lâu đời như “Chiêu” vô cùng hiếm, nếu không muốn nói là không còn”.
Trong ký ức của cô Ngọc Hạnh, một công chức về hưu ở quận 3 thì “Chiêu” ngày xưa chỉ quen thuộc nhiều với dân Bàn Cờ và khu cư xá Đô Thành. “Điều làm tôi gắn bó với quán là gu nghe nhạc chưa bao giờ thay đổi, khách ở quán phần nhiều đều là người yêu nhạc xưa”. Đến “Chiêu”, cô thường gọi cafe phin, bởi “kiểu pha cafe mà cho riêng ly đá để khách tùy ý pha theo ý mình là thứ riêng biệt ở đây”, cô Hạnh chia sẻ. Những thị dân Sài Gòn đã từng đi qua một thời của thành phố này hay những ai sinh sau chiến tranh vẫn còn đau đáu một niềm yêu phố thị, “Chiêu” hẳn là kỷ niệm quá đỗi thân thương và tuyệt vời.
“Khi tuổi già sức yếu, tôi chẳng có ước nguyện nào hơn nếu em, cháu tiếp tục giữ gìn “Chiêu””, bà Mai nói.
Huỳnh Duyên.Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/…/Quan-cafe-ton-tai-qua-nhieu-bien…/ , tựa do LH1T đặt lại.