Vui buồn nghề thợ khóa

Nói về nghiệp mưu sinh của mình, ông Nguyễn Văn Quang, một thợ sửa khóa tại đoạn đường Nguyễn Thái Học giao với đường Võ Lai, chia sẻ: 30 năm gắn bó với nghề, ông đã gặp rất nhiều tình huống “dở khóc dở cười”, trong đó có lần một phụ nữ nhờ ông tới nhà mở cửa. Không hỏi kỹ, ông liền đi ngay. Mấy hôm sau, công an tới tìm và đưa ông về đồn. Không biết chuyện gì đã xảy ra, ông và người nhà đã hốt hoảng và lo lắng vô cùng. “Sự tình là hai chị em nhà họ tranh chấp tài sản, người em đã gọi tôi đến mở khóa nhà người chị để xiết tài sản trong nhà. Vụ việc rắc rối đó xảy ra, công an cứ gọi tôi lên làm việc liên tục, khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn”, ông Quang lắc đầu ngao ngán, kể lại.

 

Ông Quang đang cắt chìa khóa cho khách.

Ông Nguyễn Văn Tùng (45 tuổi) đã có thời gian ngồi bên chiếc tủ nhỏ treo lủng lẳng nhiều chùm chìa khóa, trên đường Phan Bội Châu ngót nghét 27 năm. Chuyện buồn vui với nghề cũng không hề ít. “Cách đây cũng khá lâu, tôi được một cậu thanh niên gọi tới nhà để mở khóa tủ. Tôi đã dùng mọi cách nhưng cửa tủ vẫn không chịu ra. Sau khi hỏi ý kiến cậu thanh niên, tôi dùng đục để mở. Vì tiếng đục phát ra to nên bà con hàng xóm chạy tới hô hoán có trộm, người cầm cây người cầm gậy phang túi bụi. Tôi thanh minh mình chỉ là thợ khóa, nhưng không ai tin, họ đòi dẫn tôi về đồn công an. Khi bố mẹ cậu thanh niên về, tôi mới vỡ lẽ cậu này gọi thợ về mở tủ để lấy cắp tiền”.

Qua những vụ việc ấy, ông Quang, ông Tùng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm: không làm khóa cho khách hàng nhỏ tuổi và khi mở khóa cho ai phải tìm người làm chứng và hỏi cho thật cặn kẽ rồi mới làm.

Sửa khóa, cắt chìa là nghề thủ công, yêu cầu người thợ phải có tính cần mẫn, khéo léo và linh hoạt để tạo nên những chìa khóa chuẩn xác. Và hơn nhiều nghề khác, nghề sửa khóa, cắt chìa đòi hỏi phải có cái tâm với nghề. Bởi với một thanh sắt nhỏ trong tay người thợ sửa khóa cũng có thể mở bất kỳ ổ khóa nào. Vì thế ranh giới giữa thiện và ác cũng trở nên mong manh.

Ông Quang chia sẻ: “Luật bất thành văn mà người thợ sửa khóa, cắt chìa nào cũng luôn tâm niệm khi hành nghề, đó là không bao giờ cắt chìa vẽ trên giấy, in trên cục xà bông… vì thường chỉ có kẻ cắp mới sử dụng đến hình thức này, mình chiều theo có khác gì tiếp tay cho kẻ xấu, kẻ gian”. Cũng bởi vậy, nên hầu hết các thợ sửa khóa đều từ chối nhận người lạ học nghề, vì chưa biết rõ về nhân thân của họ.

“Trong nghề này tính trung thực được đánh giá rất cao, nếu không sẽ có người lợi dụng để làm điều bất lương, thiếu đạo đức gây tổn hại đến người khác” – ông Tùng kết luận.

Thu Thảo (báo Bình Định)

Leave a Reply