Vui buồn nghề sửa khóa

Nghề sửa khóa ở TP. Nha Trang đã có từ trước giải phóng, đến nay phát triển khá mạnh với trên 50 tiệm nằm rải rác trên các con đường chính, đáp ứng nhu cầu thiết thực của cuộc sống.Gắn bó…

Dọc đường Thống Nhất, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong… không khó để bắt gặp những tiệm sửa khóa nằm im ắng trên vỉa hè. Gọi là tiệm, nhưng thực chất chỉ là chiếc bàn gỗ đặt máy cắt khóa và những thanh ngang treo vô số loại chìa, khóa lủng lẳng. Làm nghề sửa khóa lâu nhất tại Nha Trang có lẽ là ông Phan Quốc Việt  (đường Thống Nhất). Ông Việt cho biết, năm 1977, khi mới học hết lớp 11, do gia đình khó khăn nên ông phải nghỉ học và mở một tiệm bơm vá xe đạp ngay trước nhà. Kế bên nhà ông có tiệm sửa khóa nên ông Việt học lỏm được vài thao tác rồi mở tiệm đến tận bây giờ. “Khi đó chỉ có vài tiệm nên khách đông, kiếm tiền dễ hơn bây giờ. Nay tính riêng Nha Trang cũng có đến trên 50 tiệm sửa khóa, chủ yếu là người trẻ. Nghề này không giàu nhưng mỗi ngày cũng kiếm được từ 100 đến 200 nghìn đồng”, ông Việt cho hay.

Không chỉ là một nghề để kiếm tiền, quanh đó còn có nhiều câu chuyện liên quan đến cái tâm của người làm nghề này. Anh Nguyễn Văn Bảy (đường Lê Hồng Phong) kể: “Có hôm vội đi làm, tôi để chùm chìa khóa trong nhà rồi cầm ổ khóa bấm cửa lại, trong khi cửa cổng chưa mở, xe chưa dắt ra. Bị mắc kẹt, tôi đành gọi người bạn nhờ đến đường Thống Nhất gọi thợ sửa khóa đến giải cứu”. Còn anh Hoàng Tất Thắng kể câu chuyện vui: “Hồi nhà mới mua két sắt, mỗi lần nhậu say mình lại mang két ra đổi mật khẩu. Đến sáng mai tỉnh dậy chẳng nhớ mậu khẩu tối qua cài đặt là gì, nên đành gọi thợ sửa khóa”. Đó chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện mà thợ sửa khóa gặp phải.


Ông Phan Quốc Việt sửa khóa trên đường Thống Nhất.
Ông Việt kể: “Cách đây không lâu, lúc gần 12 giờ đêm còn có người gõ cửa nhờ tôi đến phá khóa. Hỏi ra mới biết anh đi nhậu về thấy nhà khóa trái cửa, không vào được. Anh nghi vợ ở trong nhà uống thuốc tự tử vì nghi chồng đi chơi với bồ. Tôi lập tức theo anh đến phá khóa. Khi vào trong thấy chị vợ nằm trên giường miệng sùi bọt. May mà phá khóa kịp chứ chậm thêm là không cứu được người”. “Những trường hợp đó, người làm nghề như chúng tôi sẽ ưu tiên, bất chấp giờ giấc, đường xa đến mở khóa vì đây là cái tâm của người làm nghề”, ông Phạm Hùng Cường (30 năm làm nghề sửa khóa) bộc bạch.và tận tâm với nghề

Gần 40 năm làm nghề sửa khóa, ông Việt gặp không ít những tình huống khó xử. Có lần, một người đàn ông đến nhờ ông Việt mở tủ đựng tiền. Ông đến nhà quan sát không có ai, đoán người chồng muốn mở tủ lấy tiền tiêu riêng nên ông từ chối khéo rằng khó quá không mở được. Lần khác, một thủ kho trong một đơn vị quân đội đến nhờ ông Việt mở két trong kho. Đến nơi, ông không thấy ai ngoài anh thủ kho này. “Tôi từ chối thẳng thừng vì nếu mình làm là tiếp tay cho tội phạm. Làm nghề này nếu không có lương tâm thì rất dễ bị cám dỗ. Mà đã bị cám dỗ một lần thì khó đứng vững với nghề”, ông Việt tâm sự.

Ông Cường cho biết, có lần một thanh niên khoảng 20 tuổi gọi ông đến nhà nhờ mở két sắt. Đến nơi, ông không thấy có ai ở nhà, đoán là thanh niên định trộm tiền của bố mẹ nên ông từ chối. Ngoài ra, còn có những trường hợp mang đến tờ giấy hoặc miếng sáp in hình chiếc chìa khóa rồi nhờ ông Cường cắt giùm. Họ năn nỉ ông cắt rồi muốn lấy công bao nhiêu cũng chấp nhận, nhưng ông Cường không làm. “Những trường hợp tương tự rất nhiều, nhưng tôi tin tất cả những người thợ sửa khóa ở Nha Trang đều hành xử như vậy. Cắt một chiếc chìa rẻ nhất 10.000 đồng, đắt thì 50.000 đồng. Công việc lai rai quanh năm cũng kiếm được mỗi tháng 4 – 5 triệu đồng, đủ sống. Nếu bất chấp kiếm tiền mà làm những việc như vậy thì tự khắc sẽ bị đào thải”, ông Cường chia sẻ.
Theo Khánh Hòa Online

 


Giúp công an phá án

Ông Việt kể, một lần có người công an mang 8 bức hình đến hỏi ông có nhận ra ai từng đến đây cắt khóa và nhờ ông tư vấn để phá một vụ án trộm tiền trong tủ sắt. Lúc đó ông đã nói: nếu muốn biết chiếc tủ bị mở bởi chiếc chìa khóa của chủ lâu nay vẫn mở hay bị mở bởi một chiếc chìa khóa mới thì sẽ khoanh vùng được đối tượng. Nếu mở bằng chiếc chìa khóa mới thì các viên bi trong ổ khóa sẽ bị trầy xước, còn chìa khóa cũ thì không. Sau đó, ổ khóa được gửi ra Hà Nội giám định và kết quả cho thấy các viên bi trong ổ khóa không bị xước, tức ổ khóa được mở bằng chìa khóa cũ mà người chủ tủ sắt vẫn cầm hàng ngày. Như vậy, đối tượng tình nghi là người thân quen trong nhà, thừa lúc chủ tủ sắt sơ xuất nên lén lấy chìa khóa mở lấy tiền rồi khóa lại. Sau nửa tháng thì vụ án được làm sáng tỏ.

Leave a Reply